Dự Luật Chuyển đổi giới tính đề xuất người chuyển giới sẽ nghỉ hưu ở tuổi 55, và chuyển từ nữ sang nam nếu mang thai được hưởng chế độ thai sản như lao động nữ.
Ban soạn thảo dự Luật Chuyển đổi giới tính đang lấy ý kiến của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về một số nội dung liên quan.
Đề xuất người chuyển giới nghỉ hưu khi 55 tuổi
Trong đó về quy định tuổi nghỉ hưu, theo ban soạn thảo, dự luật dự kiến bổ sung quy định tuổi nghỉ hưu trong Bộ luật Lao động theo hướng sau:
Tuổi nghỉ hưu của người lao động là người chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ là 55 tuổi. Tuổi nghỉ hưu của người lao động là người chuyển đổi giới tính từ nữ sang nam là 55 tuổi.
Về quy định riêng với lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới, thực hiện quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, dự luật dự kiến quy định người chuyển đổi giới tính từ nữ sang nam nếu mang thai được hưởng chế độ thai sản như với lao động nữ.
Người đề nghị can thiệp y khoa, người đã can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính, người chuyển đổi giới tính thực hiện các quy định về thai sản theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội và pháp luật có liên quan phù hợp với giới tính đã được công nhận.
Về sửa đổi quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, ban soạn thảo cho hay hiện dự thảo luật quy định điều kiện để người dân được thực hiện can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính.
Bao gồm công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Là người độc thân.
Không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài.
Có giới tính sinh học hoàn thiện và có cảm nhận sâu sắc về bản dạng giới của bản thân không tương thích với giới tính hiện tại. Có đủ sức khỏe để thực hiện can thiệp y khoa theo quy định của luật này.
Quy định này có thể dẫn đến trường hợp một người đang trong quan hệ hôn nhân với người khác muốn được can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính thì phải ly hôn để đáp ứng yêu cầu là người độc thân.
Tuy nhiên, Luật Hôn nhân và Gia đình hiện chưa có quy định trường hợp ly hôn để thực hiện chuyển giới.
Do đó, ban soạn thảo dự kiến đề nghị sửa đổi quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình về điều kiện ly hôn.
Cụ thể sửa đổi, bổ sung khoản 1 điều 56 của luật. Theo đó, khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại tòa án không thành, thì tòa án giải quyết cho ly hôn một trong các trường hợp sau:
Nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Vợ hoặc chồng có nguyện vọng ly hôn, trở thành người độc thân để chuyển đổi giới tính.
Đề xuất tạo điều kiện thời giờ làm việc, nghỉ ngơi trong quá trình thực hiện can thiệp y khoa chuyển giới
Về quy định đặc thù với người chuyển giới, theo ban soạn thảo, việc thực hiện can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính có thể khiến người chuyển giới có thể có sự suy giảm sức khỏe, khả năng lao động sau khi chuyển đổi giới tính.
Do đó, dự luật dự kiến quy định một số quy định đặc thù nhằm bảo đảm sức khỏe hoặc hỗ trợ nhất định trong việc hồi phục sức khỏe sau quá trình chuyển giới.
Cụ thể, được nghỉ hưu sớm hơn tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động. Người chuyển đổi giới tính từ nữ sang nam nếu mang thai được hưởng chế độ thai sản như với lao động nữ.
Người đề nghị can thiệp y khoa, người đã can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính được người sử dụng lao động hỗ trợ, tạo điều kiện về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi trong quá trình thực hiện can thiệp y khoa để chuyển đổi giới tính.
Nguồn: Tuoitre.vn