Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ nay đến cuối tháng 9, Biển Đông có thể đón thêm 1-2 cơn bão, tập trung trong giai đoạn khoảng 10 ngày cuối tháng.
Các cơn bão này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta. Dự báo, sang tháng 10-11, khu vực miền Trung nước ta có thể đón mưa lũ dồn dập.
Cơ quan này cho biết thêm, hiện nay, cơn bão Bebinca đang hoạt động ở Tây Bắc Thái Bình Dương, dự báo sẽ đổ bộ vào khu vực phía đông Trung Quốc, không ảnh hưởng đến Việt Nam.
Khả năng xuất hiện 1-2 cơn bão nữa trên Biển Đông từ nay tới hết tháng 9. Ảnh minh họa
Ngoài ra, trên Biển Đông đang tồn tại dải hội tụ nhiệt đới kết hợp gió mùa tây nam mạnh. Do hình thái thời tiết này nên Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa lớn đến khoảng ngày 18/9. Trong đó, lượng mưa từ sáng 15/9 đến sáng 17/9 từ 40-80mm, cục bộ có nơi trên 120mm.
Tại miền Bắc trong khoảng 7 ngày tới, thời tiết chủ yếu ít mưa, ngày nắng gián đoạn. Riêng giai đoạn từ đêm 15 đến ngày 17/9/2024, khu vực Bắc Bộ, trọng tâm là các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh và Hải Phòng có mưa vừa, lượng mưa phổ biến 10-30mm/ngày, cục bộ có mưa to trên 50mm/ngày.
Về tình hình lũ, ngập lụt, sạt lở đất, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, mực nước lũ ở hạ lưu sông Hồng hiện tại đang xuống nhưng vẫn còn ở mức cao, tình trạng ngập ở vùng trũng, thấp ven sông sẽ giảm dần trong những ngày tới.
Trong đó, thời gian nước rút ở vùng trũng thấp ven sông Bùi thuộc huyện Chương Mỹ từ 8-10 ngày, ven sông Tích khoảng 5-7 ngày, hạ lưu sông Cà Lồ 2-4 ngày, sông Nhuệ từ 2-3 ngày.
Khu vực ngoài đê hạ lưu sông Hồng- Thái Bình (tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương) thời gian rút nước kéo dài từ 3-5 ngày, đối với các vùng không chủ động tiêu thoát thì khả năng kéo dài hơn
Trong những ngày tới khi nước lũ xuống trên các hệ thống sông sẽ có nguy cơ gây sạt lở bờ sông, nhất là ở những nơi vừa xuất hiện đỉnh lũ cao.
Mặc dù hiện nay mưa đã giảm, nhiều nơi không mưa, nhưng nguy cơ xảy ra sạt lở đất vẫn ở mức cao, đặc biệt trên các sườn dốc ở khu vực miền núi phía Bắc, nhất là Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng.