- Thịt lợn là loại thực phẩm phổ biến, cung cấp nhiều protein và các dưỡng chất quan trọng khác. Tuy nhiên, không phải ai cũng nên dùng thịt lợn.
Giá trị dinh dưỡng của thịt lợn
Thịt lợn cung cấp nhiều protein và 9 axit amin thiết yếu cần cho sự phát triển của cơ thể. Các phần thịt lợn khác nhau sẽ có giá trị dinh dưỡng khác nhau. Vì vậy, tùy vào nhu cầu dinh dưỡng cũng như sở thích mà bạn có thể chọn phần thịt phù hợp để chế biến thành các món ăn.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết sắt trong thịt lợn giúp tăng cường quá trình sản xuất năng lượng và giúp cơ thể dễ hấp thụ các dưỡng chất khác.
Thịt lợn còn chứa kẽm. Đây là một khoáng chất có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện sức đề kháng, giúp chống lại nhiều bệnh tật.
Ngoài ra, thịt lợn còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, tốt cho da, mắt, hệ thần kinh, xương và các hoạt động trí óc...
Tuy nhiên, không phải ai cũng nên ăn thịt lợn.
5 nhóm người cần hạn chế ăn thịt lợn
- Người bị thừa cân, béo phì
Những người đang bị thừa cân, béo phì vẫn có thể ăn thịt lợn nhưng chỉ nên dùng phần thịt nạc, không nên ăn thịt mỡ. Thịt nạc chứa nhiều protein còn thịt mỡ chứa nhiều chất béo dễ gây ra tình trạng tăng cân. Ngoài ra, ăn nhiều thịt mỡ còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như mỡ máu, tim mạch.
- Người bị sỏi thận
Người bị sỏi thận nên hạn chế ăn thịt lợn do hàm lượng lớn protein trong loại thịt này có thể khiến lượng oxalate trong nước tiểu tăng lên, đẩy nhanh quá trình hình thành sỏi thận.
- Người bị bệnh mỡ máu
Tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu do nồng độ cholesterol và triglycerid trong máu cao có thể gây ra máu nhiễm mỡ. Đây là căn bệnh khó điều trị triệt để. Do đó, người bệnh cần kiểm soát chế độ ăn uống để hạ lượng mỡ máu, giúp bệnh không trở nên nghiêm trọng hơn. Nên hạn chế ăn các loại thực phẩm có chứa nhiều chất béo và cholesterol xấu như thịt đóng hộp, thịt xông khói, xúc xích... Mỗi ngày chỉ nên tiêu thụ 140 gram thịt lợn và nên ưu tiên ăn phần thịt nạc.
- Người bị bệnh gout
Người bị bệnh gout cần hạn chế ăn thực phẩm nhiều đạm do đây là căn bệnh rối loạn chuyển hóa có liên quan đến ăn uống. Trong khi đó, thịt lợn chứa hàm lượng đạm cao.
Để kiểm soát bệnh, người bệnh cần điều chỉnh chế độ ăn uống để giảm tổng hợp axit uric và tăng đào thải axit uric qua thận.
Người bệnh không nên ăn quá 100 gram thịt lợn/ngày. Lượng thịt cao hơn sẽ khiến đạm nạp vào cơ thể tăng lên, từ đó cũng làm tăng nồng độ axit uric trong máu gây ra lắng đọng các tinh thể urat hoặc tinh thể axit uric. Điều này lại dẫn tới một hệ quả khác là sưng viêm gây đau, về lâu dài sẽ gây biến dạng khớp.
- Người bị cao huyết áp
Người bị cao huyết áp nên hạn chế ăn thịt lợn do loại thực phẩm này chứa một lượng lớn chất béo bão hòa, không tốt cho việc điều chỉnh huyết áp và hoạt động cảu tim mạch.