- Nổi tiếng về tài đánh vật, ông thi đỗ và trở thành Võ Trạng nguyên, sau đó xây dựng nên triều đại riêng.
Ông chính là Mạc Thái Tổ, tên thật là Mạc Đăng Dung (1483-1541), sinh ra tại làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay thuộc thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng).
Tương truyền, Mạc Đăng Dung xuất thân từ gia đình nghèo làm nghề đánh cá. Ngay từ nhỏ, ông đã có tinh thần trượng võ, sức khỏe hơn người và nổi tiếng khắp vùng về môn đấu vật.
Vào thời vua Lê Uy Mục, khi triều đình tổ chức thi tuyển võ tại thành Thăng Long, Mạc Đăng Dung ghi danh và đỗ đầu, trở thành võ trạng nguyên. Đây chính là bước đầu tiên đưa ông đến với con đường quan lộ.
Ban đầu, Mạc Đăng Dung được chọn vào đội quân túc vệ, nhiệm vụ cầm lọng theo nhà vua. Tuy nhiên, với trí tuệ hơn người, Mạc Đăng Dung tận dụng vị trí này làm bước đệm để leo dần lên những vị trí quan trọng trong triều đình.
Năm 1527, ông được phong làm An Hưng Vương. Tháng 6 cùng năm, Mạc Đăng Dung buộc vua Lê Cung Hoàng nhường ngôi, chính thức thành lập nhà Mạc, lấy hiệu Mạc Thái Tổ. Từ một lính cầm lọng cho vua, ông đã từng bước xây dựng quyền lực trong triều đình, uy tín trong dân chúng để vươn lên đỉnh cao, trở thành vị hoàng đế khai sáng nhà Mạc.
Mạc Đăng Dung còn được đánh giá là người biết đối nhân xử thế. Khi phế bỏ nhà Lê sơ để lên ngôi, ông không tiến hành bất kỳ cuộc tàn sát nào với con cháu nhà Lê hay những người trung thành với triều đình cũ.
Ông cũng bảo tồn các di sản văn hóa và kiến trúc của nhà Lê sơ tại Thăng Long và Thanh Hóa, thậm chí còn cho tu bổ các công trình quan trọng như Quốc Tử Giám ở Thăng Long và khu lăng mộ vua Lê ở Lam Kinh, Thanh Hóa. Những việc làm này của Mạc Đăng Dung được coi là hiếm có trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Dù chỉ trị vì ngắn ngủi trong khoảng 3 năm trước khi nhường ngôi cho con trai là Mạc Đăng Doanh và lên làm Thái thượng hoàng, Mạc Đăng Dung đã để lại dấu ấn quan trọng cho sự phát triển của nhà Mạc.